Kỹ thuật gieo ươm hạt cà phê giống
✅ Kỹ thuật ươm cà phê giống có khó không? Gồm những bước nào, cần lưu ý những gì để cây cà phê giống đạt tiêu chuẩn khi đem trồng ?… đây là những câu hỏi sẽ được Tiến Đạt Ban Mê giải đáp và chia sẻ với bà con trong bài viết này. Mời bà con cùng theo dõi.
Nội dung
1. Lựa chọn hạt cà phê giống như thế nào?
Theo cách làm trước đây, thường bà con sẽ tiến hành chọn hạt từ những cây có phẩm chất tốt trong vườn, chẳng hạn: cây sinh trưởng mạnh, cành cấp nhiều, sai trái, trái to, chùm trái dày, ít rụng, cành cứng cáp… thời điểm bắt đầu chọn hạt từ khoảng tháng 9 đến tháng 11. Những trái được chọn là những trái chín kỹ, to nhất trong chùm, sau đó phơi nắng nhẹ, tách vỏ ngoài, tiếp tục phơi để giảm nấm mốc, đen hạt,v.v… rất nhiều công đoạn và tốn thời gian. Tuy nhiên, do đặc tính thụ phấn chéo của cây cà phê, không có biện pháp quản lý thụ phấn, cây trong vườn không đồng nhất về giống, nên hầu như cây con chỉ được khoảng 60-80% phẩm chất tốt so với cây mẹ.
Do đó hiện nay nhiều bà con đã lựa chọn phương án tìm mua hạt giống cà phê tại các cơ sở, công ty sản xuất giống cây trồng. Hạt giống ở những nơi này được tuyển chọn kỹ lưỡng, vườn thu hạt thuần chủng đồng nhất về giống, có biện pháp quản lý thụ phấn, hạn chế lai chéo, từ đó phẩm chất của cây con F1 được tăng lên, có thể giống 90% thậm chí tốt hơn cả cây mẹ.
Những giống lấy hạt giống thường là các giống cà phê cho năng suất cao, khẳng định được ưu điểm vượt trội, được các cơ quan chức năng công nhận như: giống cà phê xanh lùn (TS5), cà phê dây Thuận An, cà phê Thiện Trường, cà phê lá xoài HT1… và các giống của Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (* tên thường gọi là Viện Eakmat) như TR4, TR9, TRS1…
2. Xử lý hạt giống trước khi ươm
Sau khi đã có hạt giống trong tay, bà con cần tiến hành xử lý hạt bằng cách ngâm qua nước vôi trong hoặc nước ấm 60 độ trong 6-8 giờ. Việc này giúp hạt lấy lại độ ẩm cần thiết để nảy mầm, đồng thời loại bỏ được các hạt hỏng, tạp chất lẫn trong hạt giống. Sau khi ngâm cần rửa lại với nước sạch cho hết nhớt. Có thể xử lý thêm các loại thuốc kích thích nảy mầm như N3M, Antonik… tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu hạt được tuyển chọn kỹ, không để quá lâu thì gần như không cần xử lý thuốc vẫn đạt tỷ lệ nảy mầm cao trên 90%.
3. Kỹ thuật ươm hạt cà phê giống
Hiện nay có 2 cách ươm hạt giống cà phê được áp dụng, mỗi cách đều có ưu nhược điểm riêng. Tùy theo điều kiện thực tế và số lượng cây con cần ươm. Bà con có thể chọn một trong 2 cách sau:
- Cách 1: Ươm hạt trên luống đất sau đó nhổ cây lá sò (lá má) cắm vào bầu ươm
- Cách 2: Ủ cho hạt nảy mầm rồi ươm trực tiếp vào bầu ươm
3.1 Chi tiết kỹ thuật ươm hạt cà phê trên luống (cách 1)
Như đã kể trên, đối với cách này, bà con cần chuẩn bị luống đất song song hoặc trước khi ngâm hạt, sau khi ngâm xong là tiến hành ươm ngay. Quy cách và thành phần luống đất như sau
- Sử dụng đất thịt mịn, không lẫn cỏ rác, rễ cây, trộn chung với trấu lúa và cát xây dựng (tỷ lệ 40% đất + 40% cát xây dựng + 20% trấu). Mục đích là để tạo độ tơi xốp, thoát nước tốt, rễ sẽ phát triển thẳng, dễ nhổ khi cấy vào bầu ươm..
- Vun luống cao ít nhất 20cm, rộng 60-80cm, chiều dài tùy theo số lượng hạt và vị trí ươm
- Nơi vun luống cần thoát nước tốt, tránh ánh nắng trực tiếp, tốt nhất nên được che chắn bằng lưới ươm chuyên dụng. Xung quanh luống có thể kê gạch, ván để tránh xói đất khi tưới.
Tiến hành ươm hạt giống trên luống và cấy vào bầu ươm khi đạt yêu cầu.
- Sau khi đã xử lý xong hạt, bà con tiến hành trải hạt trên luống, sao cho phủ kín bề mặt luống mà không bị chồng lên nhau. Tiếp tục phủ lên trên một lớp cát hoặc đất mịn dày 1-2cm
- Trên cùng phủ rơm hoặc lưới che vườn ươm, giúp giữ ẩm và tránh làm hạt bị xáo trộn, trôi ra ngoài khi tưới nước. Sau vài tuần khi hạt nảy mầm bà con có thể gỡ bỏ phần rơm hoặc lưới này
- Thời gian từ khi ươm đến khi nảy mầm có thể từ 25 – 40 ngày tùy theo điều kiện thời tiết, nếu trời lạnh bà con có thể tưới bằng nước ấm để thúc đẩy quá trình nảy mầm. Khi tưới nên dùng bình phun xương hoặc vòi phun mưa hạt mịn để tưới. Luôn giữ ẩm ở mức vừa phải không nên tưới quá nhiều gây úng.
- Khi cây con bung lá sò (lá má, lá mầm) đạt chiều cao từ 8-10cm tính từ gốc, bà con có thể gỡ gạch ván xung quanh luống, nhẹ nhàng gỡ cây con, chọn những cây đạt tiêu chuẩn về rễ (rễ thẳng, một rễ) rửa sạch đất bám trên rễ, cắt bớt rễ tơ cho gọn gàng
- Tiến hành cấy cây con vào bầu ươm. Khi cấy nên tưới đẫm bầu ươm, dùng dùi tre đục nhọn (đường kính dùi khoảng 2cm) tạo lỗ sâu bằng phần rễ của con, rồi mới cắm cây vào, lấp đất kín lỗ (lúc tạo lỗ và cắm cây con thao tác cần nhuần nhuyễn dứt khoát, tránh làm cong rễ, gãy rễ)
- Cây con khi đã nhổ nên cắm ngay, nếu phải vận chuyển đi xa thì thời gian không nên quá 48 tiếng
- Lúc cắm xong cây con sẽ có dấu hiệu hơi héo, ủ rũ, khoảng 1-3 ngày sau sẽ hồi lại, không nên quá lo lẵng. Tốt nhất nên che ít nhất 2 lớp lưới và tránh ánh nắng trực tiếp, khi cây cứng cáp hơn có thể bỏ bớt 1 lớp lưới, trước khi đem ra trồng ngoài vườn, rẫy… khoảng 10-15 ngày có thể bỏ hẳn lưới che để cây tập nắng.
- Chi tiết về thành phần đất trong bầu ươm và quá trình chăm sóc, vui lòng xem tiếp ở phần sau
3.2 Chi tiết ươm hạt cà phê trực tiếp vào bầu ươm (cách 2)
Đối với cách này, bà con sau khi xử lý hạt có thể sử dụng túi vải hoặc bao bố gói hạt lại, đặt vào rổ rá, có lỗ thoát nước. Sau đó để ở nơi thoáng mát, tiến hành ủ hạt. Mỗi ngày kiểm tra 1-2 lần, nếu thấy khô thì tưới nước ấm bằng bình phun sương. Tùy theo thời tiết, khoảng 1-3 tuần hạt sẽ bắt đầu nhú mầm (xem hình minh họa) Khi này bà con lấy ra và ươm trực tiếp vào bầu ươm, hạt nào nảy mầm trước ươm trước, hạt nào chưa tiếp tục ủ. Thời gian ủ hạt không nên kéo dài quá 10 ngày sau khi những hạt đầu tiên bắt đầu nảy mầm
Khi ươm hạt vào bầu ươm, nên tưới đẫm bầu trước, đặt hạt vào chính giữa bầu. Nên để hạt nằm ngang, mặt cong hướng lên trên, mặt bằng hướng xuống đất. Lấp nhẹ đất lên bên trên. Hạt nào hỏng không tiếp tục phát triển nên dặm lại vào đợt 2, đợt 3…
4. Chi tiết về bầu ươm, vườn ươm hạt cà phê
- Cả hai cách ươm bà con đều phải chuẩn bị bầu ươm. Bầu nên sử dụng loại túi ươm chuyên dụng, kích thước 16×25 hoặc 18×25. Thành phần đất bao gồm: Đất thịt mịn (70%) + Cát xây dựng (10%) + Trấu lúa (10%) + phân chuồng hoặc phân vi sinh – phân nở (10%). Có thể trộn thêm một ít phân lân và các loại nấm đối kháng Trichoderma – Bacillus sp.
- Nên sử dụng đất đã loại bỏ tạp chất (cỏ, rác, rễ cây…), tốt nhất là lớp đất mặt vì có đủ dưỡng chất và không bị vón cục. Lúc đóng bầu đất cần phải khô, mịn.
- Bầu nên xếp thẳng hàng, chiều rộng khoảng 1m, chiều dài tùy theo thực tế. Sao cho thuận tiến nhất cho việc chăm sóc, tưới nước sau này
- Vị trí đặt bầu ươm nên kín gió, không đọng nước, không bị ánh nắng trực tiếp, cũng không nên đặt dưới tán cây vì khó quản lý ánh sáng, dễ sinh nấm bệnh…
- Bên trên và xung quanh nên che bằng lưới ươm cây chuyên dụng. Tránh để các loại gia súc, gia cầm di chuyển vào.
- Cần dự trù sẵn diện tích để khi cây con lớn, lá chen lấn vào nhau thì giãn cách cây để tăng không gian sinh trưởng.
5. Chăm sóc cây giống cà phê ươm từ hạt
Khác với cà phê ghép, cà phê ươm hạt hay còn gọi là cà phê thực sinh. Được phát triển và chăm sóc ngay từ giai đoạn còn là hạt giống đến khi đủ tuổi xuống giống (5-6 tháng). Nên cần chú ý về vấn đề chăm sóc ngay từ những ngày đầu. Cụ thể như sau
- Thời gian từ khi cây ra lá sò đến khi ra lá cặp lá thật đầu tiên là khoảng 10-20 ngày. Giai đoạn này chỉ nên giữ ẩm cho cây phát triển. Chưa nên bổ sung bất kỳ loại phân thuốc nào. Trừ trường hợp mưa nhiều, độ ẩm cao thì nên phun phòng nấm bệnh bằng thuốc chứa Mancozeb, Metalaxyl…
- Sau khoảng 20-30 ngày tính từ lúc cắm cây con vào bầu, khi này cây đã ổn định và bắt đầu phát triển. Bà con có thể sử dụng phân NPK, pha loãng phun qua lá hoặc bón vào gốc. Nên phun tưới vào buổi chiều mát và rửa lá bằng nước sạch vào sáng hôm sau. Có thế bổ sung thêm humic và một số loại phân bón lá nếu thấy cây còi cọc, chậm phát triển. Lặp lại quá trình bón thúc này 20-30 ngày/lần. Cho đến khi cây đủ tuổi xuất vườn đem đi trồng
- Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý đến nấm bệnh và các loại côn trùng chích hút, cắn phá đọt – lá non. Tốt nhất nên phun phòng định kỳ 10-15 ngày 1 lần. Xen kẽ giữa thuốc nấm bệnh và thuốc trừ sâu – trừ côn trùng. Ngoài ra cũng có thể tham khảo cửa hàng thuốc bvtv hoặc cán bộ khuyến nông ở khu vực để biết một số loại thuốc nấm bệnh có thể kết hợp được với thuốc trừ sâu, pha trộn và phun trong cùng một lần để giảm bớt công lao động.
- Lưu ý: Việc bổ sung phân – thuốc – phân bón lá… nên cách nhau ít nhất 7 ngày, tránh làm cây bị rối loạn sinh trưởng, ngộ độc phân thuốc.
- Sau khoảng 3 tháng đến 6 tháng, tùy theo nhu cầu thực tế có thể thay bầu ươm lớn hơn hoặc mang đi trồng. Trước khi trồng nên tập cho cây quen nắng trong khoảng 10-15 ngày.
6. So sánh 2 phương pháp ươm hạt cà phê
- Cách 1: Gieo ươm hạt trên luống đất – sau đó cắm vào bầu ươm. Ưu điểm: Sàng lọc được những cây rễ xấu, 2 rễ ngay từ đầu. Cây ươm phát triển đồng đều. Nhược điểm: Nhiều công đoạn, tốn diện tích
- Cách 2: Ủ cho hạt nảy mầm – cắm trực tiếp vào bầu ươm. Ưu điểm: Tốn ít công đoạn, tiết kiệm diện tích. Nhược điểm: khó quản lý bộ rễ, tỷ lệ nảy mầm không cao, dẫn đến cần dặm lại nhiều lần, cây không đồng đều khó chăm sóc.
Như vậy vừa rồi chúng ta đã cùng tìm hiểu về kỹ thuật ươm hạt cà phê giống. Bài viết này dựa trên kinh nghiệm của Vườn Ươm Tiến Đạt Ban Mê. Đã được kiểm chứng qua thực tế. Bà con hoàn toàn có thể thực hiện được ngay tại nhà. Nếu cần tư vấn thêm hoặc mua hạt giống cà phê hay cây giống cà phê. Xin liên hệ theo thông tin sau
304/57 Nguyễn Lương Bằng, Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 – 0967 333 855
GPKD: 40A8026362 – Website: caygiong.tiendatbanme.com