Kỹ thuật trồng tiêu: Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu
Bài viết tóm tắt quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu (hồ tiêu) được sử dụng tại khu vực Tây Nguyên, được tổng hợp bởi Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt, muốn chia sẻ với mọi người. Quy trình này cũng có thể linh hoạt áp dụng cho các khu vực khác như Đông Nam Bộ, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Trị…
Nội dung
- 1 – Yêu cầu chung về đất trồng tiêu
- 2 – Yêu cầu khí hậu cho cây tiêu
- 3 – Lựa chọn loại trụ trồng tiêu
- 4 – Mật độ và khoảng cách trồng tiêu
- 5 – Lựa chọn giống tiêu
- 6 – Thời điểm trồng tiêu và cách trồng tiêu con
- 7 – Phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu
- 8 – Phân bón và chế độ dinh dưỡng
- 9 – Tưới nước cho tiêu như thế nào?
- 10 – Thu hoạch và bảo quản tiêu đúng cách
1 – Yêu cầu chung về đất trồng tiêu
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (hay còn gọi là Viện Eakmat), tiêu là loại cây có khả năng thích nghi tốt với nhiều loại đất khác nhau, miễn là đất phải có đặc điểm tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đất cần có pH từ 5.5 – 6.5 và không bị ô nhiễm phèn.
- Tầng đất canh tác ở độ sâu 1-2m cần phải giàu mùn và tơi xốp.
- Đất cần có khả năng thoát nước tốt, tránh ngập úng, đặc biệt là trong mùa mưa.
- Với đất chuyển đổi từ các loại cây trồng khác như cà phê, cao su, ca cao, điều… cần được cày xới để đất tơi xốp, loại bỏ cành cây và rễ cây lớn, xử lý tuyến trùng và mầm bệnh khác có trong đất. Trước khi trồng tiêu, có thể trồng 1-2 vụ màu (ưu tiên các cây họ đậu) để đất ổn định và khôi phục hệ vi sinh có ích trong đất.
- Trong quá trình canh tác cây màu, có thể trồng trước các loại cây trụ sống để khi trồng tiêu, cây trụ đã phát triển đủ tốt.
Đối với đất mới khai hoang, cũng thực hiện các bước tương tự và nếu có điều kiện, nên bổ sung phân xanh, phân chuồng, vi sinh vật… trong quá trình cày xới đất.
2 – Yêu cầu khí hậu cho cây tiêu
Cây tiêu là loại cây rất nhạy cảm nên chỉ phù hợp với vùng có khí hậu 2 mùa mưa và nắng rõ rệt (từ miền trung trở vào phía nam). Mùa đông không quá lạnh, không gặp sương muối và các hiện tượng thời tiết tiêu cực khác. Đặc biệt, khi cây tiêu ra hoa và đậu trái, cần có sự ổn định về thời tiết, bất kỳ thay đổi lớn nào về thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây tiêu.
3 – Lựa chọn loại trụ trồng tiêu
Để trồng tiêu, trụ cần có chiều cao đủ lớn (ít nhất 4m) và bề mặt sần sùi để rễ tiêu có thể dễ dàng bám vào và phát triển. Thường có hai loại trụ phổ biến là trụ cây sống và trụ chết, mỗi loại đều có những ưu điểm riêng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, người nông dân có thể chọn loại trụ phù hợp:
- Trụ cây sống: Là các loại cây gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh, thân thẳng, vỏ sần sùi không bóng, rễ sâu giúp giảm cạnh tranh dinh dưỡng và chịu đựng tốt trước gió mạnh. Các loại cây thích hợp để làm trụ cây sống bao gồm: Muồng đen, núc nác, lồng mức, gòn, cây tếch (giá tỵ)…
- Trụ chết: Thường là các loại trụ được làm từ cọc gỗ, bê tông hoặc gạch. Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng triển khai nhanh, tiết kiệm diện tích và không cần công rong tỉa hàng năm.
4 – Mật độ và khoảng cách trồng tiêu
Tùy thuộc vào độ dốc của đất, màu mỡ và phương pháp trồng (trồng đơn hoặc xen canh). Mật độ và khoảng cách giữa các cây sẽ được điều chỉnh tùy theo điều kiện cụ thể, nhưng thường nên trồng với khoảng cách 2,5m x 2,5m là lựa chọn tốt nhất. Mật độ trồng thường dao động từ 1.200 đến 1.600 cây/hecta. Không nên trồng quá 2000 cây/ha.
5 – Lựa chọn giống tiêu
Đa số giống tiêu hiện nay đã được lựa chọn kỹ lưỡng, vì vậy không có nhiều sự khác biệt về sản lượng và tốc độ sinh trưởng. Người ta nên chọn những giống đã có uy tín và ổn định về sản lượng như
- Tiêu vĩnh linh: Sản lượng cao và ổn định, tăng trưởng nhanh nhưng khả năng chống bệnh yếu
- Tiêu trâu: Sản lượng thấp hơn một chút, nhưng cây phát triển mạnh mẽ, khả năng chống bệnh tốt hơn
- Tiêu srilanka: Đa dạng, sản lượng, tăng trưởng và khả năng chống bệnh đều tốt
- Các giống tiêu khác: Tiêu Phú Quốc, tiêu Lộc Ninh, tiêu sẻ Bà Rịa… đều là lựa chọn tốt
6 – Thời điểm trồng tiêu và cách trồng tiêu con
- Thời điểm phù hợp nhất để trồng tiêu là vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4-5 DL. Tuy nhiên, nếu có khả năng tưới nước, có thể trồng sớm hơn khi thời tiết ấm lên sau tết Nguyên Đán (khoảng tháng 2-3 DL). Ngoài ra, nếu trồng xen cà phê, cũng có thể trồng muộn hơn vào khoảng tháng 6.
- Khoảng 1 tháng trước khi trồng, cần chuẩn bị hố trồng. Hố trồng thường có kích thước 30 đến 40cm nếu trồng 1 bầu tiêu/ 1 hố, hoặc 50 đến 60cm nếu trồng 2 bầu tiêu/hố.
- Hố trồng cần được bón lót với các loại phân như sau: Phân chuồng chín 3-5kg + phân lân 0,3-0,5kg + phân NPK 0,1 – 0,2kg + các loại nấm bổ sung và vi sinh có ích (Trichoderma, Balicius…) trộn đều với đất mặt và lấp hố, tưới đủ nước và chờ khoảng 1 tháng cho đất ổn định trước khi trồng tiêu.
- Khi trồng tiêu, nên đặt bầu tiêu con hơi nghiêng về phía trụ, không trồng quá sâu, phần gốc tiêu nên nổi cao lên để tránh ngập úng trong mùa mưa.
7 – Phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu
Cây tiêu là loại cây nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước sâu bệnh. Khi bị nhiễm bệnh, vi khuẩn có thể lan rất nhanh và việc chữa trị tốn kém và không hiệu quả, vì vậy việc phòng tránh bệnh là rất quan trọng. Dưới đây là một số nguyên tắc cần tuân thủ để bảo vệ cây tiêu:
- Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sớm sâu bệnh.
- Dọn dẹp vườn, cắt tỉa cành cây để tạo không gian thông thoáng và khô ráo.
- Trồng thảm cỏ ở mặt đất để giảm sự lây lan của bệnh, duy trì độ ẩm trong mùa khô. Tuy nhiên, cần thường xuyên dọn dẹp cỏ để tránh tình trạng cỏ mọc rậm.
- Tránh trồng cây tiêu quá đông.
- Hạn chế việc cày xới để tránh tổn thương gốc và rễ cây tiêu.
- Sử dụng phân bón cân đối, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và phân lá, phân vô cơ chỉ nên sử dụng trong giai đoạn quan trọng của cây.
- Bổ sung các loại nấm đối kháng và vi sinh vật có ích hàng năm.
- Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ, đặc biệt là vào các thời điểm chuyển mùa và khi cây đang ra hoa.
- Khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh, cần phải tiến hành xử lý và tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây lan.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các loại sâu bệnh thường gặp trên cây tiêu và cách phòng trừ hiệu quả, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết cùng chuyên mục
8 – Phân bón và chế độ dinh dưỡng
Để đảm bảo cây trồng phát triển tốt, cần phải cân nhắc việc sử dụng đồng thời phân hữu cơ, phân vô cơ và phân lá. Việc ưu tiên hàng đầu vẫn là sử dụng phân hữu cơ để bón quanh gốc ít nhất 1 lần mỗi năm. Phân vô cơ nên chọn loại phân tan chậm và bón nhiều lần trong năm, tránh tình trạng bón quá liều gây sốc cho cây, làm đất cứng và thuận lợi cho sự phát triển của nấm bệnh.
Khi bón phân, cần tuân thủ liều lượng được ghi trên bao bì của sản phẩm, bón ở phía ngoài vùng tán lá. Hạn chế việc bón phân trực tiếp vào gốc cây, trừ khi sử dụng các loại phân đặc biệt để kích thích rễ và điều trị các bệnh do nấm (ví dụ như humic, atonik…).
Việc bón phân cần phải khơi rãnh lấp nhẹ, tránh lãng phí. Trong mùa khô, nên sử dụng phân nước và đảm bảo đất luôn đủ ẩm.
9 – Tưới nước cho tiêu như thế nào?
Nên tưới nước nhẹ nhàng xung quanh gốc cây, tránh sử dụng vòi nước lớn để tưới mạnh vào phần gốc cây, nếu có thể, nên áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt hoặc sử dụng béc phun mưa nhỏ, không chỉ tiết kiệm nước mà còn có thể kết hợp việc châm phân ngay khi tưới.
Hãy tưới nước đều đặn trong mùa khô, đảm bảo cây luôn đủ ẩm để tránh sốc do nhiệt độ cao và thiếu nước. Khi tưới nước, bạn cũng có thể phun nhẹ lên lá cây, giúp rửa sạch bụi bẩn trên lá và giúp cây quang hợp tốt hơn.
10 – Thu hoạch và bảo quản tiêu đúng cách
Thường thì tiêu sẽ được thu hoạch vào khoảng sau tết Nguyên Đán (Tháng 2-3 âm lịch). Việc thu hoạch chỉ nên diễn ra khi tiêu đã đủ chín, có những chùm tiêu màu vàng không quá non. Trong quá trình thu hoạch, cần phải cẩn thận để không làm hỏng cây, gây tổn thương cho cành, thân, hoặc dây tiêu. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ người lao động khi thu hoạch (sử dụng thang an toàn, dây an toàn, thao tác cẩn thận…), giảm thiểu tai nạn lao động.
Sau khi thu hoạch, tiêu cần được phơi trên sân xi măng sạch dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô bằng lò sấy. Khi độ ẩm của tiêu đạt mức yêu cầu (13-15%), có thể đóng gói vào bao lớn để tiêu thụ hoặc lưu trữ trong kho. Kho bảo quản cần phải khô ráo, và cần kiểm tra định kỳ mỗi 1-2 tháng để đảm bảo độ ẩm luôn ở mức 13-15%.
Đây là 10 bước tổng quan trong kỹ thuật trồng tiêu. Thông tin chi tiết hơn cho từng bước sẽ được cập nhật thường xuyên tại chuyên mục tương ứng, mọi người hãy theo dõi. Chúc mọi người thành công trong việc trồng tiêu. Đối với thông tin về giống tiêu và các loại cây trồng khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau: