VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ

➡️ Phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ là một khâu quan trọng trong kỹ thuật trồng bơ, bài viết hôm nay Tiến Đạt Ban Mê sẽ cùng bà con tìm hiểu về một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây bơ, cách nhận biết và phòng trừ hiệu quả. Mời bà con cùng theo dõi và đóng góp ý kiến

Một số loại sâu bệnh hại cây bơ
Một số loại sâu bệnh hại cây bơ

Danh sách một số sâu bệnh thường gặp trên cây bơ

  • Sâu ăn lá – sâu cuốn lá
  • Bọ cánh cứng ăn lá
  • Bọ xít muỗi, bọ trĩ chích hút đọt non
  • Các loại rầy mềm, rầy vảy
  • Sâu đục thân đục cành
  • Rệp sáp chích hút
  • Tuyến trùng hại rễ
  • Bệnh nấm rễ lở cổ rễ
  • Bệnh thối thân xì mủ
  • Bệnh khô cành
  • Bệnh đốm lá, nấm lá

Cách phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ

Ngoài tác nhân trực tiếp là các loại nấm, sâu bọ, côn trùng, virus – vi khuẩn… thì bệnh trên cây bơ một phần còn ảnh hường bởi giống bơ. Một số giống có khả năng thích nghi rộng thì thường ít sâu bệnh hơn. Ở Việt Nam bà con chỉ nên canh tác các giống đã phổ biến có thời gian dài khảo nghiệm và xác định là đủ điều kiện canh tác. Chẳng hạn

1. Sâu cuốn lá – sâu ăn lá bơ

Sâu thường xuất hiện vào thời điểm giữa và cuối mùa mưa, phát triển nhanh, gây thiệt hại cho bộ lá, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, 1 đàn sâu có thể ăn trụi lá 1 cây trưởng thành trong 5-7 ngày. Đối với cây đã trưởng thành thì có thể tự hồi phục, nhưng với cây còn nhỏ thì có khả năng làm cây chậm lớn giảm sức sinh trưởng. Có nhiều loại sâu ăn lá nhưng chủ yếu là các loại như trong hình

Biện pháp phòng trừ: Vào mùa mưa nên phun thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn (Thiathomexam, Carbofulsan, Spirotetramat…) ít nhất 4 lần và chia thành 2 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 7-15 ngày. Ngoài phun phòng cũng có thể phun trị ngay khi thấy sâu con xuất hiện. Nếu phun trị có thể kết hợp với các thuốc trừ xâu tiếp xúc, thuốc trừ sâu xông hơi… để gia tăng hiệu quả

Các loại sâu ăn lá cây bơ
Các loại sâu ăn lá cây bơ

2. Bọ cánh cứng ăn lá bơ

Ban ngày ẩn nấp dưới đất, buổi tối bò lên gây hại cho cây, thường gặp nhất là các cây con còn nhỏ, chiều cao từ 2m trở xuống, cây lớn thường ít gặp hơn. Chúng ăn tất cả những phần có màu xanh của cây, đặc biệt là lá. Làm giảm sức sinh trưởng, những vết cắn của chúng cũng góp phần làm lây lan nấm bệnh

Biện pháp phòng trừ: Có thể bắt thủ công vào buổi tối nếu số lượng ít, nếu nhiều hơn cần tiến hành xử lý với các loại thuốc tiếp xúc và lưu dẫn. Phun phòng vào thời điểm sâu bọ vũ hóa mạnh (sau tết Đoan ngọ 5-5 âm lịch trở đi). Ngoài ra cũng có thể sử dụng các thuốc dạng bột, dạng nước rải và tưới vào gốc để tiêu diệt bớt trứng và ấu trùng

Bọ cánh cứng - côn trùng ăn lá bơ
Bọ cánh cứng – côn trùng ăn lá bơ

3. Bọ xít muỗi, bọ trĩ chích đọt non cây bơ

Đọt non và lá non là nơi lý tưởng cho các loại côn trùng chích hút, nhất là bọ xít muỗi và bọ trĩ. Chúng có thể gây hại quanh năm, vào những thời điểm cây ra đợt lá mới, bên cạnh hại đọt non, các loại chích hút còn hại quả non làm quả bị nấm, gây rụng hoặc bị méo mó, sần sùi giảm giá trị thương phẩm

Biện pháp phòng trừ: Phun phòng bằng các loại thuốc trừ sâu lưu dẫn hai chiều, thuốc trừ sâu xông hơi… để xua đuổi và tiêu diệt ấu trùng, trứng… Nên phun vào buổi chiều mát hoặc sáng sớm để tăng hiệu quả phòng trừ. Mỗi năm phun ít nhất 6-10 lần cách nhau khoảng 15 ngày. Tránh thời điểm cây đang ra hoa, đang thụ phấn, tuân thủ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch

Bọ xít muỗi và côn trùng chích hút đọt non cây bơ
Bọ xít muỗi và côn trùng chích hút đọt non cây bơ

4. Các loại rầy mềm, rầy vảy

Cách phòng trừ tương tự như bọ xít muỗi, bọ trĩ, điểm khác là loại này khi tấn công gây hại thì bám dưới mặt lá, đọt non,… ít di chuyển, nên có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời

5. Sâu đục cành, đục thân cây bơ

Gọi là sâu đục thân, nhưng thực chất đây là ấu trùng của 1 hoặc nhiều loại côn trùng cánh cứng. Con trưởng thành thường đẻ trứng ở dưới đất, gốc cây hoặc phần vỏ, khi trứng nở ấu trùng sẽ tìm vị trí thuận lợi để “đào lỗ” vào thân cây, đục khoét để sinh trưởng làm cho hệ thống mạch dẫn bị tổn thương, làm cho phần thân (hoặc cành) từ vị trí bị tấn công khô héo và chết dần.

Biện pháp phòng trừ:

  • Đối với sâu đục thân – đục cành, thường “phòng” sẽ tốt hơn “trừ”. Nên định kỳ rải thuốc – xịt thuốc trừ sâu có tính tiếp xúc, lưu dẫn và xông hơi, lên các vị trí dự đoán con trưởng thành sẽ đẻ trứng, đặc biệt là vào đầu mùa mưa và các thời điểm khi sâu bọ bắt đầu vũ hóa (chuyển từ ấu trùng sang dạng trưởng thành và bắt đầu đi đẻ trứng).
  • Ngoài ra cũng phải thường xuyên dọn vườn thông thoáng, thăm vườn và phát hiện sớm những dấu hiệu của sâu đục thân và xử lý kịp thời. Dấu hiệu: cây tự nhiên xanh tốt thì hơi héo một phần hoặc toàn bộ, kiểm tra trên thân thấy có vết đục lỗ và có bột như mùn cưa đùn ra. Cách xử lý: lúc này nếu cành nhỏ thì cắt bỏ và diệt ấu trùng thủ công, nếu cành lớn hơn thì dùng thuốc sâu bơm trực tiếp vào lỗ, dùng vôi bột lấp lỗ do sâu đục
  • Một biện pháp khác là kết hợp thuốc nấm dạng bột với thuốc trừ sâu pha thành dung dịch đậm đặc, quét lên phần gốc để tiêu diệt trứng và hạn chế con trưởng thành đẻ trứng
Sâu đục thân cây bơ
Sâu đục thân cây bơ

6. Rệp sáp hại lá, thân cành, rễ bơ

Đặc trưng của rệp sáp là có thể gây hại quanh năm, nhất là vào mùa khô thời tiết nắng nóng kéo dài, khi tấn công thì toàn bộ cây sẽ bị bao phủ bởi rệp màu trắng, có bột trắng phủ quanh cơ thể, một thời gian ngắn sau sẽ xuất hiện thêm lớp nấm muội màu đen, rệp thường cộng sinh với kiến, gây hại từ gốc đến ngọn, bao gồm cả phần rễ. Cây bị rệp sáp tấn công sẽ giảm quang hợp, hư đọt non, bộ rễ dễ bị nấm, nếu không xử lý kịp thời có thể làm cây suy kiệt và chết

Biện pháp phòng trừ: Nên dùng các thuốc trừ sâu đặc trị, có hoạt chất phù hợp, phun phòng vào mùa khô và phun trực tiếp vào rầy. Kết hợp thêm các loại chất bám dính để tăng hiệu quả. Khi xử lý thuốc nên tưới vào phần gốc để tiêu diệt con non, con trưởng thành tấn công ở rễ. Hiện nay thuốc có hoạt chất Carbosulfan, Buprofezin, Chlorpyrifos… được đánh giá là khá hiệu quả với rệp sáp

Rệp sáp cây bơ
Rệp sáp cây bơ

7. Tuyến trùng hại rễ bơ

Tuyến trùng luôn có sẵn trong đất, tấn công và làm tổ trên hầu hết các loại thực vật, kể cả cỏ dại. Khi gây hại sẽ làm cho rễ phình lên, nổi những nốt u sần trên rễ, nhất là rễ tơ. Làm giảm sự trao đổi chất giữa rễ và các bộ phận khác, nếu kéo dài sẽ là nơi lý tưởng để nấm bệnh thâm nhập kéo theo các bệnh khác như nấm rễ, thối rễ, khô cành…

Cách phòng trừ: Mỗi năm đổ gốc bằng hỗn hợp Carbosulfan + Dimethomorph + Cuprous oxide ít nhất 2-3 lần, vừa có tác dụng phòng trừ tuyến trùng vừa trị được nấm rễ. Tuy nhiên về lâu dài khi mầm mống tuyến trùng vơi đi không còn đủ khả năng gây hại thì nên chuyển sang hướng sinh học, sử dụng nấm đối kháng Trichorderma + Bacillus để phòng trừ. Bên cạnh đó cũng nên canh tác theo hướng trên đất có lớp phủ thực vật (trồng cỏ nhưng cần phải phát dọn thường xuyên) để chia sẻ bớt mầm bệnh cho cây trồng

8. Bệnh nấm rễ – lở cổ rễ cây bơ

Bệnh thường do chủng nấm Phytopthora – Pythium kết hợp với một số chủng nấm khác gây ra. Vị trí thường gặp là nơi cổ rễ, rễ dưới mặt đất, nơi mắt ghép (đối với các giống bơ ghép), đặc biệt với những cây trồng quá sâu rất dễ bị bệnh này. Dấu hiệu của bệnh thường là cây kém phát triển, còi cọc, lá rụng nhiều, phần gốc sát với mặt đất bị nấm tấn công, vỏ chuyển màu, có chảy nhựa đen, rễ tơ không phát triển, rễ chính tổn tương

Biện pháp phòng trừ: Nên trồng cây giống cao hơn mặt đất xung quanh, tránh đọng nước khi tưới hoặc mưa kéo dài. Luôn thăm vườn để dọn sạch cỏ dại mọc gần gốc, cắt tỉa bớt cành sát đất, tạo độ thông thoáng cao để hạn chế nấm bệnh. Phun thuốc qua lá + quét gốc + đổ gốc bằng các thuốc trị nấm như Mancozeb, Metalaxyl, Dimethomorph, Cuprous Oxide… nhất là vào mùa mưa khi nấm bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển. Khi cây bị bệnh có thể dùng dao cạo bớt phần vỏ chỗ bị bệnh và quét thuốc để tăng hiệu quả. Mỗi lần xử lý thuốc nên thực hiện ít nhất 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Sau khi cây có dấu hiệu phục hồi thì bổ sung humic + phân hữu cơ + nấm đối kháng, tránh dùng phân hóa học ở giai đoạn này

9. Bệnh thối thân (nứt thân) xì mủ cây bơ

Tác nhân gây bệnh tương tự như bệnh nấm rễ, tuy nhiên phần bị bệnh thường là thân cây, cành lớn… nếu không xử lý sớm có thể làm cây bị hư toàn bộ hoặc một phần vỏ, sức sinh trưởng và đề kháng giảm hẳn. Có thể đi kèm với sâu đục thân, đục cành.

Biện pháp xử lý tương tự như nấm rễ, chú ý cạo bỏ sạch phần bệnh (vỏ ngoài), quét thuốc nấm đậm đặc lên vết bệnh. Nếu xử lý tốt thì phần cạo sẽ hình thành vỏ mới và liền vỏ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Bệnh nứt thân xì mủ cây bơ
Bệnh nứt thân xì mủ cây bơ

10. Bệnh héo cành khô cành cây bơ

Bệnh do chủng nấm Verticillium albo atrum gây ra, tấn công vào hệ thống mạch dẫn của cây, những phần bị ảnh hưởng sớm nhất là lá non, cành nhỏ, về lâu dài có thể lan rộng ra khắp vườn, làm chết cây, thậm chí cả những cây đã bước vào kinh doanh. Ban đầu cây chỉ có hiện tượng héo rũ vào giữa trưa, về sau héo hẳn một phần hoặc toàn bộ cây, lá không bị rụng hẳn mà khô dần trên cây

Biện pháp phòng trừ: nên phòng là chủ yếu, vì khi bị nhiễm bệnh cây rất khó để phục hồi. Nên sử dụng các loại thuốc trị nấm bệnh dạng nano bạc, nano đồng, thuốc có tính lưu dẫn mạnh… Phun vào mùa mưa, độ ẩm cao nấm bệnh có điều kiện phát triển nhanh. Nếu phần khô là cành nhỏ hoặc một góc của cây, cần cưa – chặt bỏ và tiêu hủy, quét thuốc nấm lên vị trí cưa – chặt, đồng thời phun thuốc lên lá, đổ gốc để thuốc lan truyền và xử lý mầm bệnh trong mạch gỗ

Bệnh khô cành cây bơ
Bệnh khô cành cây bơ

11. Bệnh nấm lá, đốm lá, cháy bìa lá cây bơ

Có thể có nhiều dạng, nhưng chủ yếu là cháy mép lá, đốm trên lá sau đó lan rộng dần, có khi lây sang phần thân non và trái, làm cho trái rụng, cây khô héo…thường xuất hiện vào mùa mưa và có thể đi kèm theo những đợt sâu bọ tấn công. Một số chủng nấm gây ra bệnh trên lá cây bơ được kể đến là: Cercospora nicotianea (đốm mắt cua), Hemileia vastatrix B & Br (rỉ sắt), Rhizoctonia solani (cháy lá)…

Biện pháp phòng trừ: Ngoài các biện pháp canh tác và bổ sung dinh dưỡng cân đối, cần phải chú ý xử lý sâu bọ côn trùng chích hút, nhất là những đợt cây ra đọt mới hoặc thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao… Phun phòng và trị bằng các thuốc trừ nấm lưu dẫn mạnh, phổ rộng, kết hợp với thuốc trị bệnh (vi khuẩn, virus). Nên thay đổi luân phiên giữa các hoạt chất tránh tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc…

Bệnh nấm lá, cháy lá, đốm lá cây bơ
Bệnh nấm lá, cháy lá, đốm lá cây bơ

12. Một số bệnh hại trên quả bơ

Bệnh về quả thường gặp là (rụng trái non, sẹo quả, đốm vỏ quả, thối quả già, nứt quả…) có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do côn trùng chích hút (ruồi vàng, bọ xít muỗi, rệp sáp, sâu ăn quả…) và nấm bệnh (phytopthora, solani,…) hoặc cả 2 nguyên nhân đồng thời. Nhẹ thì giảm giá trị thương phẩm, nặng hơn thì có thể giảm năng suất, mất mùa.

Biện pháp phòng trừ: Đối với các bệnh về quả, nên xử lý ngay từ khi còn là quả non, có thể phun phòng thuốc nấm, thuốc sâu 2-3 lần sau khi cây đậu quả (quả bằng đầu ngón tay trở lên). Sau đó sử dụng các loại bọc vải chuyên dụng để bọc quả, trong suốt quá trình cây nuôi quả vẫn duy trì việc phòng trừ trên các bộ phận khác của cây (rễ, thân, lá)

Sâu bệnh gây hại trên quả bơ
Sâu bệnh gây hại trên quả bơ

Ngoài ra cần kết hợp với việc cung cấp đủ nước, phân bón cân đối, bổ sung trung – vi lượng, cắt tỉa bớt quả tùy theo sức khỏe của cây. Việc này giúp tăng chất lượng quả, mẫu mã bên ngoài, hạn chế rụng non, nứt trái…

13. Một số bệnh do vi khuẩn virus trên cây bơ

Virus, vi khuẩn cũng là tác nhân gây ra các bệnh như đốm lá, xoăn ngọn, rụng trái, ghẻ quả… nhìn chung thường đi kèm và có dấu hiệu tương tự như các chủng nấm. Do đó bà con có thể sử dụng các loại thuốc có gốc đồng, gốc bạc để phòng trừ và xử lý (Agriphos dùng cho cây sầu riêng cũng rất tốt để phòng trừ nấm và vi khuẩn, ngoài ra còn có Aliette, Bordeaux (boóc-đô) cũng rất hiệu quả để phòng trừ)

14. Tổng kết sâu bệnh trên cây bơ

Như vậy chúng ta vừa cùng nhau điểm qua một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây bơ. Bài viết có thể chưa hoàn thiện nhưng hy vọng đã giúp bà con định hình được quy trình chăm sóc phù hợp. Hãy luôn nhớ nguyên tắc phòng hơn trị. Vì khi cây bị bệnh quá nặng điều trị sẽ luôn tốn kém mà hiệu quả thường thấp.

Đối với việc xử lý bằng thuốc (thuốc trừ sâu, thuốc nấm) nên ưu tiên những hoạt chất có tính lưu dẫn để cây khi hấp thu sẽ truyền đi khắp các bộ phận, giúp quá trình phòng và trị hiệu quả hơn. Có thể phối hợp giữa các thuốc nhưng phải tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông và cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật uy tín lâu năm. Vừa giúp gia tăng hiệu quả, tăng đối tượng phòng trừ, giảm nhân công lao động

Ngoài ra, nếu cần tư vấn thêm hoặc cần cung cấp cây giống bơ + cây giống các loại, có thể nhấc máy và liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin sau. Cam kết giống chuẩn, có bảo hành, có đầy đủ chủng loại cây giống để bà con lựa chọn. Rất hân hạnh được phục vụ!

Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt Ban Mê
Địa chỉ: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0944 333 855 – 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Leave A Reply

Your email address will not be published.