VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ

➡️ Trồng và chăm sóc cây bơ đúng kỹ thuật sẽ giúp cho cây đạt năng suất tối đa, phát triển bền vững, đặc biệt đối với các giống bơ ghép, giống bơ ngoại nhập (hass, booth, reed, pinkerton…), bài viết hôm nay bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về kỹ thuật trồng bơ, áp dụng chung cho hầu hết các giống bơ hiện nay

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ

A – Tìm hiểu thông tin về cây bơ

Cây bơ là cây nhiệt đới và cận ôn đới, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Người Inca cổ đại tại khu vực này đã biết sử dụng trái bơ để làm thực phẩm từ hàng ngàn năm trước. Thông qua giao thương, thám hiểm và quá trình thuộc địa hóa… cây bơ dần có mặt trên hầu hết các quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam cây bơ được người Pháp mang đến từ khoảng thế kỷ 19, trồng chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

  • Tên khoa học: Persea americana
  • Tên tiếng anh: Avocado
  • Tên gọi khác: Lê dầu
  • Phân họ thực vật: Họ nguyệt quế

Cây thuộc nhóm thân gỗ lâu năm, chiều cao có thể đạt đến 20m, tuổi thọ trung bình trên 50 năm. Lá có hình ô-van hoặc thon dài, đuôi lá có chóp nhọn. Mặt trên xanh đậm và bóng, mặt dưới nhạt màu hơn. Cây thường cho ra hoa vào khoảng tháng 2 và thu hoạch vào khoảng tháng 8 dương lịch

Quả có hình dạng phổ biến giống quả lê, cũng có thể tròn hoặc thon dài. Bên trong có phần thịt quả và hạt. Khi còn xanh thịt quả giòn và có vị đắng, chỉ khi chín chuyển thành mềm và có vị béo mới ăn được.

Tùy theo giống mà khi chín sẽ có sự thay đổi màu sắc ở vỏ, có thể giữ nguyên màu xanh hoặc chuyển thành màu nâu, tím… Quả càng được nuôi lâu trên cây thì phẩm chất sẽ càng tăng.

Các giống bơ phổ biến hiện nay

Bơ là cây thụ phấn chéo, các thế hệ cây con trồng từ hạt (bơ thực sinh) thường sẽ không giống với cây mẹ, đặc biệt là hình thái và phẩm chất quả. Ngày trước, cây bơ chủ yếu được trồng làm cây che bóng cho vườn cà phê, cây chắn gió bờ biên. Nên bà con thường không chú trọng đến giống, đa phần là trồng từ hạt. Tuy nhiên, những năm gần đây thị trường bắt đầu tiêu thụ mạnh cả trong và ngoài nước, nên tiêu chuẩn cũng khắt khe hơn, chủ yếu là các giống bơ sáp, bảo quản được lâu mới được ưa chuộng

Từ đó, việc tuyển chọn và lai tạo cũng như nhập thêm giống từ nước ngoài về mới được chú trọng, các giống phổ biến có thể kể đến như sau

  • Giống bơ trong nước: Bơ sáp 034, bơ tứ quý, bơ Cuba M3, bơ TA21, bơ mã dưỡng, bơ không tên…
  • Giống bơ xuất xứ nước ngoài: Bơ booth, bơ hass, bơ reed, bơ pinkerton…

B – Quy trình trồng và chăm sóc cây bơ

1. Yêu cầu về thổ nhưỡng khí hậu trồng bơ

  • Bơ thích nghi với khí hậu nhiệt đới và cận ôn đới
  • Cao độ từ 800m trở xuống (so với mực nước biển)
  • Nơi trồng không bị thời tiết cực đoan như sương muối, gió lào, rét đậm rét hại…
  • Đất trồng cần thoát nước tốt, thường là đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông, đất đỏ bazan… độ pH từ 5.5 – 6.5
  • Lượng mưa từ 1.000 – 1.200mm/năm
  • Đặc biệt: Cây cần có sự phân biệt rõ rệt giữa mùa khô và mùa mưa. Tạo điều kiện để phân hóa mầm hoa. Đây cũng chính là nguyên nhân mà miền bắc với khí hậu 4 mùa, thường rất khó canh tác cây bơ, cây có thể vẫn sinh trưởng nhưng thường không có trái hoặc năng suất kém
Trồng bơ ở Tây Nguyên
Trồng bơ ở Tây Nguyên

2. Lựa chọn giống bơ và tiêu chuẩn cây giống

Ở thời điểm hiện tại, thị hiếu tiêu thụ chủ yếu là các giống bơ sáp có độ dẻo – béo cao. Vỏ quả dày để bảo quản được lâu. Ngoài các giống bơ đã liệt kê ở bên trên, bà con cũng cần tìm hiểu kỹ và mua cây giống ở các địa chỉ uy tín, khi mua cần hỏi rõ về tên giống, đặc tính sinh trưởng, kỹ thuật chăm sóc, thời gian thu hoạch… Tốt nhất nên mua các giống đã được định danh và công nhận rộng rãi

Về cây giống, cần đảm bảo các yêu cầu sau

  • Phải là cây ghép, có sức sinh trưởng khỏe mạnh
  • Chồi ghép có ít nhất 5-6 lá thuần thục, chiều cao chồi từ 10-20cm
  • Lá và ngọn non không có dấu hiệu chích hút của côn trùng.
  • Vị trí ghép liền mạch, chắc chắn, không bị bó cứng, phồng lên thành cục
  • Gốc ghép thẳng, vỏ không bị các vết thương vật lý, hoặc dấu hiệu của nấm bệnh, đường kính từ 0.8cm trở lên
  • Bầu ươm chắc chắc, không bị chai cứng hoặc vỡ bầu
Thời điểm xuống giống phù hợp nhất là vào đầu mùa mưa (đây cũng là thời điểm cây giống phong phú và giá bán tốt nhất) nhưng nếu chủ động về nước tưới bà con cũng có thể trồng quanh năm.

3. Tính toán mật độ trồng và khoảng cách trồng bơ

  • Trồng thuần: 6m x 6m tương đương 230 – 240 cây/hecta
  • Trồng xen cà phê, ca cao: 9m x 9m tương đương 100 cây/hecta

4. Chuẩn bị đất trồng – Quy cách hố trồng bơ

Đất trồng bơ cần được cày xới cho tơi xốp, bổ sung thêm phân hữu cơ (xác thực vật, phân chuồng, phân vi sinh…), dọn sách rễ cây lớn, rác, đá tảng… Trước khi cày xới, có thể tiến hành đo độ pH của đất xem đã phù hợp chưa, nếu đất chua có thể bổ sung thêm vôi rồi cày xới để tăng hiệu quả

Đối với đất trước đó đã trồng cà phê, tiêu, ca cao… cần phải có biện pháp xử lý tuyến trùng, trồng 2-3 vụ màu để cải thiện đất trước khi trồng

Hố trồng được chuẩn bị trước khi xuống giống tối thiểu 15 ngày. Hố có kích thước (dài x rộng x sâu) từ 40cm x 40 cm x 40cm trở lên mỗi hố sử dụng đất mặt trộn với phân bón lót như sau

  • 3-5kg phân chuồng hữu cơ (phân chuồng hoai, phân gà nở, phân vi sinh…)
  • 0,5kg phân lân
  • 0,1kg phân NPK (loại có tỷ lệ N, P cao)
  • 1-2 thìa nhỏ nấm đối kháng trichorderma – bacillus
  • Nếu trồng cây giống bơ ươm bằng giá thể sơ dừa có thể bổ sung thêm thuốc chống mối
  • Sau khi trộn đều các thành phần kể trên thì lấp hố lại, tưới ẩm và đợi đủ thời gian trước khi trồng, trong thời gian đợi có thể tiến hành cho cây giống tập nắng, làm quen với môi trường

5. Tiến hành trồng cây bơ

  • Sử dụng nông cụ như cuốc, xẻng đào một lỗ nhỏ chính giữa hố trồng, kích thước lớn hơn bầu ươm một chút
  • Dùng tay, dao hoặc kéo cắt lớp nilon ngoài bầu ươm (thao tác cần nhẹ nhàng, tránh làm bể bầu)
  • Đặt cây con vào lỗ, sao cho mặt bầu cao hơn mặt đất từ 5-10cm, lấp đất xung quanh, vừa lấp vừa dùng tay nén nhẹ
  • Vun cao ở phần gốc, tránh đọng nước
  • Sau khi trồng cần tưới nước ngay và cắm cọc cố định cây
  • Nếu trồng vào mùa khô, cần có các biện pháp che nắng (ít nhất 3 tháng) và phủ gốc bằng cỏ khô, rơm rạ

6. Chăm sóc cây bơ giai đoạn kiến thiết

Từ khi trồng đến năm thứ 3 được gọi là giai đoạn kiến thiết, ở giai đoạn này cây cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để cây có sức sinh trưởng mạnh ổn định. Bà con cần chú ý một số yêu cầu như sau

Chăm sóc cây bơ giai đoạn kiến thiết
Chăm sóc cây bơ giai đoạn kiến thiết
  • Nước tưới: Cần bổ sung liên tục trong mùa khô, vì giai đoạn này bộ rễ chưa ăn sâu, cây khi héo sẽ rất khó hồi phục
  • Làm cỏ: Cần dọn sạch cỏ xung quanh gốc, hạn chế được nấm bệnh, tạo không gian thông thoáng để cây phát triển
  • Bón phân: Mỗi năm chia làm 5-6 đợt, cách nhau 1-2 tháng, sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm và lân cao (NPK 20-20-10, 16-16-8…). Vào đầu và cuối mùa mưa, bổ sung thêm phân hữu cơ khoảng 1-2kg/gốc/lần. Có thể tưới gốc bằng chế phẩm Humic để kích thích bộ rễ, giúp hấp thụ phân bón tốt hơn. Khi bón phân đất phải đủ ẩm, có thể tưới nước để giúp phân tan nhanh hơn. Bón theo hình chiếu của tán cây xuống mặt đất, không bón sát gốc. Ngoài ra cần bổ sung thêm phân bón lá trung – vi lượng (1-2 lần/năm)
  • Cắt tỉa cành: Khi cây đạt chiều cao 0,8m – 1m tiến hành hãm ngọn, nuôi 2-3 thân chính, tiếp tục hãm ngọn ở độ cao 1,5 – 2m để tăng số lượng cành cấp 1, cấp 2. Tùy theo trồng thuần hay trồng xen mà quyết định tạo tán cây hay thấp cho cây. Yêu cầu chung là phải thông thoáng, cành tỏa đều về các hướng. Bên cạnh đó cũng cần loại bỏ các chồi vượt, chồi mọc từ gốc ghép, các cành tăm, cành đan xen kém hiệu quả
  • Phòng trừ sâu bệnh: Ở giai đoạn kiến thiết, cây tập trung đi cành và phát triển bộ rễ, do đó cần phòng trừ các loại côn trùng chích hút đọt non, sâu đục thân, nấm lá, nấm rễ. Đối với sâu bọ côn trùng, cần phun phòng vào các giai đoạn cây đi đọt (ra đọt non, lá non). Sử dụng các thuốc chứa hoạt chất: Thiathomexam, Permethrin, Carbosulfal… phun ít nhất 2 lần mỗi đợt, cách nhau từ 7-10 ngày. Đối với nấm bệnh, sử dụng các thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Metalaxy, Hexaconazole… phun phòng 5-6 đợt/năm. Đặc biệt là các tháng mùa mưa khi độ ẩm tăng cao. Phun qua lá và tưới gốc, ngoài ra có thể pha đậm đặc để quét phần gốc từ dưới lên trên, giúp hạn chế được nấm bệnh

7. Chăm sóc cây giai đoạn kinh doanh

Giai đoạn từ năm thứ 3 trở đi, cây bắt đầu cho trái bói và năng suất tăng dần lên theo từng năm. Bà con cần lưu ý để bổ sung dưỡng chất giúp tăng chất lượng quả, tăng sức sinh trưởng để năng suất ổn định hơn. Một số điểm cần lưu ý như sau

Tưới nước cho cây bơ kinh doanh
  • Tưới đủ nước vào mùa khô, cây càng lớn thì khả năng chịu hạn càng tốt, nhưng vẫn phải bổ sung đủ nước để cây phát triển.
  • Nên có thời gian cắt nước sau khi thu hoạch để tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm – hoa, giúp ra hoa đậu quả đồng loạt, tăng tỷ lệ đậu quả.
  • Tránh tưới nước lúc cây đang ra bông, cây đậu quả non (quả dưới 1cm), vì khi tưới nước rất dễ bị rụng bông, rụng quả
Làm cỏ cho cây bơ kinh doanh

Mỗi năm duy trì việc làm cỏ quanh gốc ít nhất 4 lần, tạo độ thông thoáng cao hạn chế được nấm bệnh. Giữa các hàng có thể để cỏ giúp giữ ẩm mùa khô, chia sẻ nấm bệnh, tăng độ tơi xốp, nhưng phải phát thường xuyên, tránh để cỏ quá cao, quá rậm rạp. Hạn chế tối đa việc sủ dụng thuốc trừ cỏ

Bón phân cho cây bơ kinh doanh

Khác với giai đoạn kiến thiết, giai đoạn kinh doanh cây cần phải được cung cấp nhiều dưỡng chất hơn, vì vừa phải nuôi quả vừa phải nuôi cành lá. Bà con có thể bón theo các đợt như sau

  • Đợt 1: Trước khi mùa mưa bắt đầu – Đây là thời điểm cây vừa đậu trái được khoảng 1-2 tháng, cần bổ sung dưỡng chất để nuôi trái và phát triển cành, bà con dùng phân NPK có tỷ lệ 2-1-2 (16-8-16 hoặc 20-10-20) để bón cho cây, mỗi cây khoảng 1-2kg. Do thời tiết giai đoạn này vẫn còn là mùa khô, nên khi bón cần tưới nước giúp phân tan tốt hơn
  • Đợt 2: Khi mùa mưa bắt đầu, cây tiếp tục nuôi trái và tăng sức sinh trưởng, bà con sử dụng phân NPK tỷ lệ 2-2-1 để bón, mỗi gốc từ 1-2kg tùy theo thể trạng cây
  • Đợt 3: Trước khi thu hoạch 1-2 tháng, đây là giai đoạn cây dồn dinh dưỡng để tăng chất lượng quả, nên bổ sung nhiều kali, do đó cần sử dụng phân NPK có tỷ lệ 1-1-2 hoặc 1-1-3, mỗi gốc từ 1-2 kg
  • Đợt 4: Sau khi thu hoạch khoảng 1 tháng. Giai đoạn này cây vừa dồn hết dinh dưỡng để nuôi trái, cần bổ sung nhiều đạm và lân để cây hồi phục, bà con bón tương tự như đợt thứ 2.
  • Bên cạnh đó: Cũng cần phải bổ sung qua lá các dạng phân trung – vi lượng, đặc biệt là Canxi – Boron, giúp cành chắc khỏe, tỷ lệ rụng trái thấp. Nên phun 2-3 đợt trong mùa mưa, 1-2 đợt trong mùa khô (phun vào buổi chiều mát). Đối với phân hữu cơ, đào rãnh bên ngoài hình chiếu tán cây để bón, mỗi đợt 2-3kg, mỗi năm 2 đợt vào đầu và cuối mùa mưa
Cắt tỉa cành cho cây bơ kinh doanh
  • Sau vụ thu hoạch cần cắt bỏ những cành già cỗi, cành không còn khả năng mang quả
  • Tỉa những cành tăm, chồi vượt mọc từ thân chính và cành cấp 1
  • Tiếp tục định hình bộ tán tỏa đều ra các hướng, hạn chế chiều cao để tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch
  • Những cành nhỏ mà mang quá nhiều trái cũng cần loại bỏ bớt trái, hạn chế gãy đổ
Chăm sóc cây bơ giai đoạn kinh doanh
Chăm sóc cây bơ giai đoạn kinh doanh
Phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ kinh doanh

Tiếp tục duy trì việc phun phòng trừ sâu bệnh như ở giai đoạn kiến thiết, chú ý ở các thời điểm quả đang phát triển, nên phun phòng côn trùng chích hút, tránh tình trạng quả bị tấn công gây ra rụng quả, nứt quả, ghẻ quả… Một số sâu bệnh thường gặp như sau

  • Sâu ăn lá, sâu cuốn lá
  • Sâu đục thân, đục cành
  • Bọ cánh cứng ăn lá về đêm
  • Bọ xít muỗi, rầy mềm chích hút lá, ngọn non
  • Rệp sáp hại cành, hại rễ
  • Tuyến trùng hại rễ
  • Bệnh nấm rễ, lở cổ rễ
  • Bệnh khô ngọn, khô cành
  • Bệnh đốm lá
  • Bệnh thối thân xì mủ
  • Bệnh ghẻ trái, đốm trái
Phun phòng sâu bọ côn trùng bằng thuốc chứa hoạt chất: Thiathomexam, Permethrin, Carbosulfan… Phun phòng nấm bệnh bằng các hoạt chất: Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole, gốc bạc, gốc đồng… Mỗi lần phun nên tiến hành tối thiểu 2 đợt, cách nhau 7-10 ngày. Phun đổi hoạt chất để tránh tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc. Tránh phun thuốc vào các giai đoạn nhạy cảm của cây như: Cây đang ra hoa, cây đang thiếu nước, giữa trưa nắng…

8. Thu hoạch và bảo quản trái bơ

  • Thu hoạch: Hái bơ khi trái đã già (thường là 6 tháng tính từ lúc đậu trái), một số trái bắt đầu rụng, phần vỏ chuyển xanh màu xanh đậm, căng bóng, có xuất hiện một lớp phấn trắng mỏng. Khi hái nên hái cả cuống và phải dùng lưới – bạt để hứng trái, tránh rơi từ trên cao gây trầy xước bầm dập.
  • Bảo quản: Hái xong cần mang đi tiêu thụ ngay, tránh để lâu. Khi vận chuyển cần lót bằng giấy mềm, xốp, túi nilon hoặc khay nhựa chuyên dụng để giữ trái cố định, hạn chế va chạm. Thông thường với nhiệt độ bình thường sau từ 3-5 ngày bơ sẽ chín, muốn bảo quản được lâu hơn thì nên để ở nơi thoáng mát, hạn chế để tủ lạnh, trái bị mất nước sẽ kém ngon, thậm chí hỏng. Ngoài ra thời gian chín cũng phụ thuộc nhiều vào đặc tính cùa giống bơ. Các giống bơ có vỏ dày và cứng như booth 7, bơ cuba, bơ reed thường sẽ để được lâu hơn. Có khi lên đến 10 ngày, còn các giống bơ trong nước như bơ trái dài 034, bơ tứ quý thường chỉ được 5-7 ngày nên chủ yếu tiêu thụ nội địa
Thu hoạch bơ khi trái đã già
Thu hoạch bơ khi trái đã già

Như vậy vừa rồi chúng ta đã điểm qua từng bước cơ bản trong quá trình trồng và chăm sóc cây bơ. Chi tiết hơn về từng giai đoạn bà con có thể tìm thêm ở chuyên mục: KỸ THUẬT TRỒNG CÂY BƠ. Cảm ơn bà con đã theo dõi. Nếu có nhu cầu về cây giống bơ nói riêng và các loại cây giống nói chung, hãy nhanh tay liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và cung cấp cây giống đạt chuẩn, nguồn gốc rõ ràng, có bảo hành. Thông tin liên hệ

Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt Ban Mê
Địa chỉ: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0944 333 855 – 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Leave A Reply

Your email address will not be published.